Wednesday, May 29, 2013

Cải thiện tầm vóc người Việt

 (CATP) Một bịch sữa chấn hưng dân tộc - đó là khẩu hiệu của chương trình cải thiện tầm vóc con người Nhật Bản, được quốc gia này thực hiện cách đây hơn nửa thế kỷ. Sở dĩ người Nhật đặt ra khẩu hiệu nói trên, vì ai cũng biết sữa là thực phẩm vô cùng quan trọng cho trẻ em trong việc phát triển thể hình, thể lực và cả trí lực. Vì vậy, cách đây hơn nửa thế kỷ, trong chương trình cải thiện tầm vóc người Nhật, chính phủ nước này đã tài trợ cho mỗi học sinh tiểu học khi đến trường vào mỗi buổi sáng đều được - và phải - uống một ly sữa. 



Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị được Chính phủ giao cho nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai đề án cải thiện tầm vóc người Việt, đã có một cuộc hội thảo về chủ đề này. Đề án gồm bốn chương trình: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người VN; Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan; Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ ba đến 18 tuổi; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Đề án này sẽ được thực hiện trong 20 năm với tổng kinh phí dự tính là 6.449 tỷ đồng, trong đó có 50% là kinh phí Nhà nước, số còn lại là của các địa phương và từ công tác xã hội hóa.

Tính đúng đắn của đề án này thì không phải bàn, thậm chí phải nói rằng đến giờ này mới xúc tiến thì hơi bị muộn!

Vấn đề đặt ra ở đây là tính thực tế của đề án, nhìn dưới hai góc độ quan trọng nhất của việc phát triển thể hình một con người, đó là dinh dưỡng và rèn luyện thể chất. Hai vấn đề này, hiện nay ở VN đều có vấn đề.

Chuyện dinh dưỡng với trẻ em VN hiện nay, là điều không đáng lo đối với trẻ em ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... Ở những địa phương này, chúng ta thường ngỡ ngàng trước sự phát triển của trẻ em khi chúng cao lớn vượt bậc. Chiều cao trung bình của trẻ em ở các vùng đô thị lớn thường vượt xa tiêu chuẩn. Cái điều đáng lo chính là nằm ở chỗ những vùng sâu vùng xa, nơi mà người ta chạy miếng ăn hàng ngày còn là một vấn đề lớn, thì việc một ly sữa mỗi ngày cho trẻ em là điều rất khó. Chúng ta hãy xem chương trình “cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc VTV, thì biết trẻ vùng cao vùng sâu hiện tại chỉ mong cơm đủ no đã khó, huống chi nói đến thịt, đến sữa. Vì vậy, đề án phát triển tầm vóc người Việt chỉ có thể thành công một khi Chính phủ phải có chương trình tài trợ cụ thể. Và điều ấy thật khó làm sao, trong hoàn cảnh kinh tế đang bết bát như hiện nay.

Chuyện thứ hai đáng nói đến là chương trình giáo dục. Bao nhiêu năm nay chúng ta đã nói rất nhiều đến chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông hết sức xa rời thực tế, thiếu tính thực tiễn. Bên cạnh đó, chương trình học văn hóa quá nặng nề khiến trẻ gần như không có thời gian để dành cho việc chơi thể thao, vận động.

Vì vậy, đề án tuy đúng đắn nhưng muốn đạt kết quả thì hoàn toàn không dễ chút nào, khi hai rào cản kinh tế - giáo dục vẫn còn là những thách thức chưa thể vượt qua. Và như vậy, hơn 6 ngàn tỷ đồng chi cho đề án không khéo là chuyện vô bổ.


Theo đó, từ nay đến năm 2015, TP sẽ xây dựng bến, cầu tàu, nhà chờ tại 18 vị trí. Việc đầu tư xây dựng bến, cầu tàu sẽ được xã hội hóa, trong đó ưu tiên cho các nhà đầu tư đang có phương tiện khai thác các tuyến du lịch tầm gần như Bạch Đằng - Củ Chi, Bạch Đằng - Bình Quới, Bạch Đằng - quận 9… Việc quản lý bến, cầu tàu, nhà chờ dự kiến sẽ giao cho UBND các quận, huyện (thu phí phương tiện cập bến, thu phí quảng cáo, bãi giữ xe…). Tới đây, Sở GTVT sẽ xây dựng, ban hành quy chế chung về hoạt động, khai thác và kết nối các bến, tuyến du lịch đường sông.

Nguồn: www.congan.com.vn

Link: http://www.congan.com.vn/?catid=941&id=496215&mod=detnews&p=

No comments:

Post a Comment