Friday, June 14, 2013

Cảm kích những tấm lòng Nhật Bản

 1. Một lễ tang đậm chất Việt đối với Tiến sĩ khảo cổ học Nhật Bản (Nishimura Masanari) vừa được tổ chức tại Hà Nội. Trong lễ tang, người ta thấy vợ con của ông bận áo xô, đội mũ rơm, đeo khăn tang và chống gậy. Hai cậu bé bước đi ngơ ngác khi đưa quan tài bố - có lẽ chúng còn quá nhỏ để hiểu về sự mất mát quá lớn này. Không chỉ có vợ con của TS, mà cả gia đình Nhật Bản gồm có bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, và em trai của ông cũng bay từ nước Nhật sang Việt Nam dự đám tang của người thân. Trong đám tang, ông Nishimura Keji- bố của TS khảo cổ học Nishimura Masanari đã có lời cảm ơn xúc động. Người cha ấy nói rằng: "Sau khi Masanari qua đời, con dâu và hai cháu tôi vẫn ở lại Việt Nam. Tôi không muốn đưa thi hài con về Nhật mà muốn chôn Masanari ở Việt Nam. Tôi nghĩ con trai ở nơi chín suối sẽ vui mừng với quyết định này. Tôi chọn địa điểm để con an nghỉ ở xã Kim Lan, Gia Lâm”. 


TS khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari

với người dân Việt Nam


Ông cũng nghĩ rằng con mình đang ở đâu đó trên bầu trời Việt Nam và mong lúc nào tới đây cũng sẽ được nói chuyện với con trai.


Là một người Nhật yêu Việt Nam ngay từ lần đầu đến làm việc, hơn 20 năm qua, ông đã đi khắp mọi miền để tìm hiểu, nghiên cứu, đóng góp nhiều công sức cho khảo cổ học Việt Nam. Qua đời vì tai nạn xe máy ở Việt Nam và khi mất được an táng tại Việt Nam. Tất cả những điều đó đủ để khẳng định rằng ông là một người Nhật Bản mang nặng tâm hồn Việt Nam. Bạn hữu của ông còn nói rằng, ông là người Việt mang quốc tịch Nhật.


Điều lấy làm khâm phục và cảm kích là suốt hơn 20 năm qua, TS Masanari đã cống hiến cho ngành khảo cổ Việt Nam bằng tài năng và nhiệt huyết. Bởi không có "điểm nóng” nào về khảo cổ ở Việt Nam mà không có dấu chân Masanari. Ông là người có công lớn trong việc đem không khí học thuật sống động vào Việt Nam. Masanari đã phát hiện ra mảnh khuôn đúc trống đồng đầu tiên ở Việt Nam. Đây là phát hiện rất có ý nghĩa, vì lâu nay, nhiều người cho rằng, trống đồng Đông Sơn không phải phát tích ở Việt Nam. Không những vậy, ông cùng đồng nghiệp phát hiện ra khuôn đúc mũi tên cho phép khẳng định các mũi tên thời kỳ An Dương Vương được sản xuất tại chỗ. Ngoài ra, ông đã tham gia nhiều chương trình khác như phát hiện, giám sát khai quật, xây dựng Bảo tàng gốm sứ tại xã Kim Lan, Gia Lâm Hà Nội; nghiên cứu địa điểm 18 Hoàng Diệu, Hà Nội, tham gia nghiên cứu thành nhà Hồ, trống đồng Đông Sơn và nhiều địa điểm khác…


2.Và không chỉ có TS khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari nặng lòng với đất Việt. Sở dĩ chúng ta giữ được không gian Làng cổ ở xã Đường Lâm ( Sơn Tây- Hà Nội) như ngày nay- theo nhận định của các chuyên gia văn hóa, một phần lớn là nhờ công của những tấm lòng Nhật Bản. Khi những bất cập trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Làng cổ ở xã Đường Lâm "nóng” lên trong dư luận thời gian qua, thì nhiều chuyên gia văn hóa Việt Nam thực sự cảm thấy buồn. Theo GS. TS Đặng Văn Bài, người Nhật Bản đã bỏ ra gần 10 năm nghiên cứu, giúp Việt Nam bảo tồn Làng cổ để biến thành di sản quốc gia, họ trân trọng như vậy còn chúng ta lại thờ ơ. Thậm chí, người Nhật đã bỏ tiền tu sửa một ngôi nhà mẫu, hà cớ gì chúng ta không bỏ tiền ra tiếp tục bảo tồn di sản…


Còn GS Phan Huy Lê thì cho rằng, bản chất của xung đột trong bảo tồn và phát triển Làng cổ Đường Lâm là do chúng ta chưa nhận thức đúng về bảo tồn di sản mà thôi. Ông cũng cho rẳng, chúng ta giữ được cái hồn của Làng cổ ở Đường Lâm hôm nay, phần lớn là nhờ các GS người Nhật Bản, và phải lấy làm cảm ơn các GS người Nhật lắm lắm. Người Nhật yêu văn hóa truyền thống Việt Nam, giúp người Việt Nam tận tình trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống ấy. Vậy tại sao chúng ta không thể làm tốt và làm nốt những phần còn lại…


3.Không hoạt động trong lĩnh vực văn hóa- nghệ thuật, nhưng nếu ai đã từng gặp chị Atsuko Toda, một chuyên gia người Nhật có tới gần 10 năm công tác tại Việt Nam, và đảm nhiệm cương vị Giám đốc Cơ quan Phát triển nông nghiệp quốc tế tại Việt Nam ( IFAD), hẳn cũng sẽ rất ấn tượng với chị. Hỏi lý do nào khiến chị chọn Việt Nam để lập nghiệp, Atsuko Toda không ngần ngại chia sẻ rằng, chẳng riêng gì chị mà có lẽ bất kỳ người nước ngoài nào hoạt động trong lĩnh vực xã hội cũng sẽ chọn Việt Nam là điểm đến. Với riêng chị, thì giờ đây Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Sở dĩ Việt Nam hấp dẫn chuyên gia người Nhật này, bởi theo chị- từ một quốc gia có tỉ lệ nghèo đói cao trong khu vực mà đến nay đất nước các bạn lại có nhiều nông sản xuất khẩu ra thế giới như gạo, cá tra, cà phê, thanh long, hạt điều…Trong mắt người Nhật Bản, Việt Nam là một câu chuyện thành công về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo.


Gắn bó và yêu Việt Nam nên điều chị cảm thấy buồn nhất là giờ đây người nông dân Việt Nam thua thiệt hơn nông dân ở các nước khác là họ đang thiếu hệ thống thông tin về thị trường. Vì vậy, tình trạng hàng hóa nông sản làm ra hàng loạt bị ế ẩm, bị tư thương ép giá, cũng không có gì quá khó hiểu… Và Cơ quan Phát triển nông nghiệp quốc tế tại Việt Nam ( IFAD) đang nỗ lực để giúp những người nông dân thoát nghèo.


Câu chuyện về những chuyên gia Nhật Bản, những tấm lòng Nhật Bản, mà nhìn rộng ra là nhiệt huyết và chân tình của các chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam, giúp người Việt bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống- có lẽ ít nhiều đặt ra những suy nghĩ trong tâm thức mỗi người chúng ta. Những người Nhật coi trọng văn hóa Việt, vậy hà cớ gì những người Việt đang là chủ thể của di sản, sống trong lòng di sản…lại chưa nhận thức hết được giá trị của di sản, cũng như chưa biết cách bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong cuộc sống hôm nay?

Triết Giang

Nguồn: daidoanket.vn

Link: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=65747&menu=1451&style=1

No comments:

Post a Comment