Tuesday, June 11, 2013

Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM - Một tổ chức dần bị lãng quên?

 Từng là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp về lĩnh vực thể thao được sự quan tâm nhiều nhất từ hơn một thập niên trước đây, nhưng hiện nay Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM vẫn tồn tại và được tổ chức hoạt động như thế nào đang là câu hỏi lớn chưa có lời giải. 

 Liệu có còn sự hiện diện? 

“Hữu danh, vô thực!”. Nhiều người trong giới chuyên môn bóng chuyền có cảm nhận như thế khi có ai nhắc đến tổ chức này.

Có lẽ đấy không là nhận xét quá lời bởi ở nhiệm kỳ hiện nay, Ban chấp hành từng được các đại biểu tham dự đại hội hồi năm 2006 bầu ra với tổng cộng 17 ủy viên, nay chỉ còn lại đúng….2 vị. Đó là các Phó chủ tịch, ông Đoàn Hữu Thành (phụ trách tài chính) và ông Nguyễn Bá Nghị (phụ trách chuyên môn).

Ngoài bộ phận thường trực chuyên giải quyết mọi việc vốn được gọi là Văn phòng Liên đoàn với 2 nhân vật kể trên, lâu nay LĐBCTPHCM còn thêm một nhân viên khác nhận lương “thư ký liên đoàn” từ tổ chức này là bà Đậu Lý Lài. Tất cả các thành viên chủ chốt khác, từ Chủ tịch Phạm Phú Ngọc Trai, Phó chủ tịch phụ trách phong trào Lê Hồng Triều cho đến Tổng Thư ký Nguyễn Huỳnh Điệp, vì lý do này hay nguyên nhân khác, đều đã “nói lời từ biệt” với tổ chức kể từ năm 2009, cùng lúc với sự… tự giải tán của 12 ủy viên khác trong BCH.

Niềm vui thắng trận của Maseco TPHCM. Ảnh: Minh Bảo

Bởi thế cho nên bóng chuyền TPHCM chỉ còn duy nhất Giải bóng chuyền nữ truyền thống 8-3, do LĐBC TPHCM phối hợp với Cung Văn hóa Lao động tổ chức. Các giải khác, từ bóng chuyền trong nhà cho đến bóng chuyền bãi biển nếu có diễn ra, đều xuất phát từ kế hoạch và kinh phí của ngành VH-TT&DL TPHCM hoặc phối hợp các ngành khác, thậm chí giải bóng chuyền nam Quốc tế tranh Cúp Arirang lần 1-2012 cũng do Trung tâm TDTT quận Phú Nhuận đăng cai dưới sự tài trợ của Công ty Dịch vụ Phú Nhuận.

 Nước đến chân vẫn chưa chịu nhảy! 

Thật vậy, gần đây nhiều người khá khó hiểu khi họ chưa có lời giải đối với thắc mắc: LĐBCTPHCM đương nhiệm còn tồn tại đến bao giờ? Bởi thực tế cho thấy để góp phần vực dậy bóng chuyền thành phố, không thể chỉ trông cậy vào “bộ tam” nhân sự trên.

Theo quy định, một tổ chức xã hội nghề nghiệp như LĐBC TPHCM chỉ có nhiệm kỳ 4 năm, thế nhưng nhiệm kỳ 5 (2006 - 2010) đã trôi qua gần đủ thời gian cho một nhiệm kỳ khác, nhưng vẫn chưa thấy được đả động đến.

Trước sự bất hợp lý này, nhiều người đã tỏ ra có lý khi lo ngại rằng, một khi đại hội LĐBCVN nhiệm kỳ V (2009 - 2013) sắp kết thúc (dự kiến đại hội sẽ tổ chức vào tháng 10 tới đây tại Hà Nội) nên hiện các địa phương, ngành khác trong cả nước đều có sự chuẩn bị nhân sự giới thiệu tham gia ứng cử nhiệm kỳ mới, thì bóng chuyền TPHCM vẫn chưa có động thái tương ứng nào. Nếu không tổ chức kịp thời đại hội cấp thành phố bầu BCH khóa mới để giới thiệu tham gia BCH LĐBC VN, thì BC TPHCM sẽ chịu thiệt thòi.

Đó cũng là thực trạng không kém phần nhức nhối mà nhiều người đều cảm nhận được một cách rõ ràng và đang là vấn đề đặt ra cho các giới chức có trách nhiệm đối với sự phát triển của bóng chuyền TPHCM.

 ANH HUY 


Nguồn: sggp.org.vn

Link: http://sggp.org.vn/bongchuyen/2013/6/320802/

No comments:

Post a Comment