Sunday, June 9, 2013

“Việt Nam có tiềm năng là một trong những nước dẫn dắt hàng đầu của ASEAN”

 Ông Carl W.Baker - Giám đốc chương trình Diễn đàn Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - cho rằng sự tham gia tích cực vào các diễn đàn quan trọng của khu vực và thế giới là “điểm cộng” cho Việt Nam. 

Ông Carl W.Baker - Giám đốc chương trình Diễn đàn Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).

  - Ông đánh giá thế nào về đóng góp của Việt Nam (VN) tại các diễn đàn quan trọng của khu vực và thế giới, như Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn kinh tế Đông Á và mới đây nhất là hội thảo về biển Đông của CSIS tại Mỹ?
 
 

- Tôi nghĩ rằng VN đã thể hiện cam kết trước sau như một khi nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận đa phương trong chính sách đối ngoại của mình. Với sự tham gia tích cực vào các diễn đàn quan trọng khu vực và thế giới, tôi cho rằng VN đã thể hiện cam kết nhất quán đối với ASEAN và đối với giá trị của hành động tập thể để đối phó những vấn đề có ảnh hưởng toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Lập trường kiên định của VN còn cho thấy, VN có tiềm năng lớn để nổi lên như một trong những nước dẫn dắt hàng đầu của ASEAN và cần được khuyến khích để tiếp tục theo đuổi những giải pháp chung cho cả chính sách kinh tế và an ninh, thông qua các tổ chức đa phương và các diễn đàn trong ASEAN.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nói đến “điểm cộng” của VN tại Đối thoại Shangri-La vừa qua khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu rõ ràng và cẩn trọng, thể hiện chính xác cam kết của VN trong việc tìm kiếm giải pháp hợp tác đối với những quan ngại về an ninh. Bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết mỗi nước phải trở thành một thành viên có trách nhiệm trong việc gìn giữ luật pháp quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện rõ cam kết của VN mong muốn xây dựng những giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột.

-  Trung Quốc luôn khẳng định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, trên thực tế dư luận ngày càng hoài nghi về “cam kết hòa bình này”, khi tàu bán quân sự Trung Quốc liên tục gây sức ép với láng giềng trên biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?  

- Liên quan đến những động thái của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông, tôi cho rằng đây là những hành vi thiển cận, khi cố gắng áp đặt yêu sách chủ quyền trên biển bằng cái gọi là “đường 9 đoạn” dựa trên quyền lợi của mình. Đó chính là lý do mà hầu hết các nước trên thế giới nhất trí rằng cần phải làm rõ những điều khoản liên quan đến quyền lợi của các quốc gia ven biển, theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc càng tiếp tục khẳng định chủ quyền đơn phương của mình mà không chấp nhận ý muốn của cộng đồng thế giới được thể hiện trong UNCLOS, điều này sẽ càng ngày càng khó khăn cho Trung Quốc khi khẳng định 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời cũng làm khó các nước khác khi tuyên bố tìm kiếm những giải pháp đôi bên cùng chiến thắng trong khu vực.

-  Vậy VN và các nước khác cần có động thái như thế nào, thưa ông?  

- Tôi nghĩ rằng VN và các nước Đông Nam Á phải tạo dựng lòng tin trong nội khối ASEAN về tầm quan trọng của việc kiên định một lập trường thống nhất. Cách tốt nhất để làm điều này là ASEAN phải giải quyết các vấn đề giữa bản thân các nước thành viên trước, sau đó mới đưa ra lập trường nhất quán đối với Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam, Philippines và Malaysia đều có những tuyên bố chủ quyền khác nhau trên biển Đông, do đó Trung Quốc sẽ càng dễ dàng yêu sách. Nếu ASEAN có thể nhất trí về một cách tiếp cận chung - không nhất thiết là giải quyết các tranh chấp lãnh thổ cụ thể - mà đơn giản chỉ là tìm cách hợp tác khai thác tài nguyên và quyền hàng hải trong những khu vực tranh chấp, thì điều đó sẽ vô cùng thuận lợi để thiết lập một vị trí đàm phán vững chắc, có thể đối phó hiệu quả hơn với những hành động hung hăng của Trung Quốc.

-  Theo ông, vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông là gì? Đâu là nguyên nhân chính cho những xung đột biển Đông?  

- UNCLOS có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Tôi không nói rằng UNCLOS là một cơ chế giải quyết xung đột cần thiết, nhưng nó định hướng cách giải quyết được tất cả các bên chấp nhận. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng Philippines đã tiến một bước hữu ích khi đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài LHQ. Hồ sơ kiện trong đó đặc biệt yêu cầu tòa đánh giá tính hợp pháp của “đường 9 đoạn”, đã cho Philippines cơ hội làm rõ với tòa cách diễn giải của mình về đường ranh giới dựa theo UNCLOS. Tôi cho rằng vấn đề tuyên bố chủ quyền trên biển Đông ngày càng quan trọng, bởi những nguyên nhân: UNCLOS yêu cầu xác định đường cơ sở ven biển và các vùng đặc quyền kinh tế có liên quan; cạnh tranh gia tăng về nguồn lợi thủy sản và khoáng sản trên biển; gia tăng khả năng tuần tra của tất cả các nước có liên quan tại những khu vực tranh chấp và tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền không giải quyết được khác biệt.

-  Vậy theo ông, giải pháp khả thi để giải quyết tranh chấp trên biển Đông là gì?  

- Theo tôi, tất cả các bên nên chấp nhận rằng sẽ không có giải pháp duy nhất cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phải bắt đầu tìm kiếm một cách thức có thể giảm thiểu nguy cơ đối đầu không mong muốn, chẳng hạn phát triển bộ quy tắc ứng xử, chú trọng vào các cơ chế giải quyết xung đột, tích cực chung tay để xác định những khu vực nào có và không có tranh chấp, cuối cùng là tìm kiếm cách cùng khai thác nguồn lợi trong khu vực. Tôi hiểu rằng không có giải pháp nào dễ dàng, nhưng theo tôi, đó là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp trên biển Đông trong bối cảnh hiện tại.

  - Xin cảm ơn ông!  

Ngoài cương vị Giám đốc chương trình Diễn đàn Thái Bình Dương tại CSIS, ông Carl W.Baker còn là giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii. Trước đó, ông làm việc tại Trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương về nghiên cứu an ninh, giảng dạy và nghiên cứu một loạt vấn đề liên quan đến an ninh, xung đột và đàm phán. Ông là một chuyên gia có kinh nghiệm về các vấn đề Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.


Theo đó, từ nay đến năm 2015, TP sẽ xây dựng bến, cầu tàu, nhà chờ tại 18 vị trí. Việc đầu tư xây dựng bến, cầu tàu sẽ được xã hội hóa, trong đó ưu tiên cho các nhà đầu tư đang có phương tiện khai thác các tuyến du lịch tầm gần như Bạch Đằng - Củ Chi, Bạch Đằng - Bình Quới, Bạch Đằng - quận 9… Việc quản lý bến, cầu tàu, nhà chờ dự kiến sẽ giao cho UBND các quận, huyện (thu phí phương tiện cập bến, thu phí quảng cáo, bãi giữ xe…). Tới đây, Sở GTVT sẽ xây dựng, ban hành quy chế chung về hoạt động, khai thác và kết nối các bến, tuyến du lịch đường sông.

Nguồn: laodong.com.vn

Link: http://laodong.com.vn/chinh-tri/viet-nam-co-tiem-nang-la-mot-trong-nhung-nuoc-dan-dat-hang-dau-cua-asean/120677.bld

No comments:

Post a Comment