Tuesday, June 11, 2013

Những tấm gương trong

 (HNM) - Trong dòng chảy của dân tộc, có một lớp người cao tuổi, ví như những dòng suối đầu nguồn ngày đêm âm thầm tiếp nước cho những con sông hòa mình ra biển lớn. Họ là những cán bộ, công chức, người lao động… đã nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, trực tiếp tham gia công tác mặt trận ở địa phương, tiếp tục đóng góp kinh nghiệm, tâm huyết, trí tuệ của mình để xây dựng Đảng, chính quyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động ở khu dân cư, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương. 

 

“Vè ông Mặt trận” 


Là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, MTTQ Việt Nam là tổ chức chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên.

Hội thi Trưởng ban công tác Mặt trận giỏi cụm I quận Hai Bà Trưng năm 2013.


Trong hệ thống MTTQ Việt Nam, ban công tác mặt trận (BCTMT) ở các khu dân cư (KDC) là tổ chức gần dân nhất, có điều kiện nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cũng vì gần dân, sát dân, BCTMT có nhiệm vụ trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND; chương trình hành động của MTTQ Việt Nam các cấp; thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở KDC với cấp ủy Đảng và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước; đồng thời phối hợp thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.

Tuy công việc khá bề bộn và mức thù lao không đáng kể, chỉ 200 nghìn đồng/người/tháng, song hầu như tất cả cán bộ mặt trận ở các KDC đều phát huy tinh thần yêu nước, tất cả vì cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân đồng tâm, hiệp lực, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; triển khai các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương, xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, vững mạnh. Trong tập thể những người “vác tù và hàng tổng” ấy, Trưởng BCTMT được ví như “nhạc trưởng”, có vai trò quan trọng trong việc chủ trì phối hợp các thành viên làm tốt nhiệm vụ của mình. Họ sẽ mãi mãi âm thầm làm việc, âm thầm cống hiến nếu không có các hội thi trưởng BCTMT giỏi do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và Ban Thường trực MTTQ các quận, huyện tổ chức (từ tháng 4 đến tháng 7-2013) nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của BCTMT trong sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, chào mừng Đại hội MTTQ các cấp, tiến tới Đại hội MTTQ TP Hà Nội, Đại hội MTTQ Việt Nam khóa VIII được tổ chức vào năm 2014.

Có mặt tại các hội thi trưởng BCTMT giỏi từ cấp phường đến cấp cụm, rồi các hội thi chung khảo cấp quận, huyện, tôi thật sự xúc động trước những tấm gương hết lòng vì công việc của các cán bộ mặt trận kỳ cựu, có nhiều thành tích, được dân tin. Dù đảm đương rất nhiều cương vị trước lúc nghỉ hưu song khi trở về với cuộc sống đời thường, tham gia tổ chức gần dân nhất là các BCTMT ở KDC, những cán bộ mặt trận đã hòa mình vào dòng chảy của nhân dân, cống hiến tâm sức cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Phan Văn Thắng, Trưởng BCTMT KDC số 18, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, là một người như thế. Sinh năm 1947 tại Hà Tĩnh, sau gần 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao, ông Thắng về hưu. Coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình, ngay khi vừa mới chân ướt chân ráo về phường, ông đã tích cực tham gia công tác xã hội. Năm 2008, ông Thắng được bầu làm Phó Bí thư chi bộ và đến năm 2010 thì nhận chức Trưởng BCTMT KDC số 18. Ba năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, với ông chưa phải là chặng đường dài, lắm khó khăn, nhưng đòi hỏi nhiều công sức và nhất là cái tâm với công việc. Ông kể, KDC số 18 của ông có 275 hộ, hơn 1.400 nhân khẩu, chủ yếu là cán bộ về hưu, các hộ buôn bán nhỏ… Ở đây, mặt bằng dân trí tương đối cao nhưng không tránh khỏi những phức tạp về ANTT, những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân phát sinh từ cuộc sống hằng ngày. Với sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, BCTMT KDC số 18 đã vận động nhân dân thực hiện thành công cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng KDC văn hóa… Và để hòa giải thành công những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày, ông còn chịu khó cập nhật thêm kiến thức. Có mặt tại hội thi Trưởng BCTMT giỏi phường Quan Hoa cùng 5 ông Trưởng BCTMT các KDC bạn, ông Phan Văn Thắng dí dỏm tự giới thiệu về mình: Ve vẻ vè ve/Vè ông Mặt trận/Công tác tuy bận/Nhưng cũng rất hay/Công việc hàng ngày/Cùng dân gánh vác/Ông nắm rất sát/Gia cảnh từng nhà/Người gần người xa/Ông đều hiểu thấu/Nghìn tư nhân khẩu/Đoàn kết một lòng/Tổ ngoài tổ trong/An ninh bảo đảm/Đường làng ngõ xóm/Quang sạch hơn xưa/Thứ bảy đúng giờ/Vệ sinh quét dọn…

Còn ông Đoàn Trường Thọ, Trưởng BCTMT Khu Chợ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, lại “báo cáo thành tích” của KDC và của BCTMT tại hội thi bằng một bài văn vần: Tôi - Đoàn Trường Thọ/Một vợ ba con/Bảy mươi tuổi tròn/Mười năm Mặt trận/Quanh năm lận đận/Xây dựng phong trào/Khu Chợ lên cao/Toàn dân đoàn kết…/Phát huy dân chủ/Giữ vững kỷ cương/Nộp thuế tư thương/Đạt trên trăm triệu/Tổng thuế các loại/Đạt tới sáu trăm/Vượt mức hàng năm/Là nhờ đoàn kết/Thị trấn tổng kết/Khu Chợ dẫn đầu/Đoàn kết cùng nhau/Đền ơn đáp nghĩa…

Không “kém cạnh” các ông trưởng BCTMT, các bà trưởng BCTMT lại mang đến hội thi những bài hát tự biên tự diễn ca ngợi quê hương, đất nước, những kịch bản xử lý tài tình những tình huống “dở khóc dở cười” ở các KDC - nơi các cán bộ mặt trận phải đối mặt hằng ngày. Từ việc giải quyết, hòa giải những vụ xô xát trong gia đình như con cãi cha, chồng suốt ngày say xỉn bạo hành vợ; những mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai, lấn chiếm đường làng, ngõ xóm, tranh chấp chỗ bán hàng… đến vận động nhân dân hiến đất mở đường xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đóng góp xây dựng nhà văn hóa; vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3; vận động nhân dân không đổ rác ra đường, không tổ chức tang lễ linh đình, góp tiền xây mộ “hoành tráng”, không tổ chức đánh bạc tại các đám hiếu, đám hỷ, gây tốn kém về tiền bạc, ảnh hưởng đến đoàn kết thôn xóm, vi phạm pháp luật… Công việc nào cũng đòi hỏi ở cán bộ mặt trận rất nhiều tâm huyết, trí tuệ và nhất là uy tín với cộng đồng.

Là người trực tiếp chỉ đạo và tham dự nhiều hội thi trưởng BCTMT giỏi cấp cơ sở, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, rất hứng khởi trước các màn chào hỏi dự thi và phần trả lời tình huống của các cán bộ mặt trận và cho rằng, hội thi chính là dịp để các cán bộ mặt trận giao lưu, học hỏi, nâng cao năng lực, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình. Qua đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ các xã, phường, thị trấn và các BCTMT KDC, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH Thủ đô và đất nước. Đây cũng là dịp cán bộ mặt trận tự kể về mình để các cấp ủy, chính quyền nhìn nhận, đánh giá đúng công lao của họ và mọi tầng lớp nhân dân thêm hiểu, thêm yêu mặt trận. “Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ tổ chức thi thơ ca hò vè về công tác mặt trận, có trao giải hẳn hoi để động viên, khuyến khích các cán bộ mặt trận ở cơ sở”. - Bà Lê Thị Kim Oanh tâm sự.
 (còn nữa) 


Nguồn: hanoimoi.com.vn

Link: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/593804/nhung-tam-guong-trong

No comments:

Post a Comment