Tuesday, June 11, 2013

Thành tựu và quyết tâm mới

 LTS: Với mục đích cao nhất là vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, của NLĐ và vì sự phát triển của đất nước, tổ chức CĐ đã luôn vượt qua mọi khó khăn để đạt được thành tựu trên mọi lĩnh vực hoạt động. Điều này được thể hiện rõ trong nội dung hoạt động nhiệm kỳ 2008-2013 và sự đồng lòng, quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong nhiệm kỳ 2013-2018. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Hòa Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN. 

Đồng chí Lê Hồng Anh - UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Đặng Ngọc Tùng - UV T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tại buổi gặp mặt CNLĐ đoạt giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 2, năm 2013.

Nhiệm kỳ Đại hội lần thứ X (2008-2013), phong trào CBCNVCLĐ và hoạt động của tổ chức CĐVN có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thuận lợi cơ bản là NQ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, NQ20 hội nghị lần thứ VI (BCH T.Ư khóa X) “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã có những định hướng chỉ đạo quan trọng về công nhân CĐ trong tình hình mới.

 Khẳng định vai trò của công đoàn  

Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và các cấp ủy Đảng, sự giúp đỡ của Chính phủ, của các bộ, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền, CĐVN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Đã tăng cường và thể hiện rõ hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ, tham gia tích cực và có hiệu quả vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ; đặc biệt CĐ đã trình QH và được QH thông qua Luật CĐ sửa đổi, bổ sung năm 2012, tham gia có hiệu quả vào việc sửa đổi bổ sung Bộ luật LĐ. CĐ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh và ý thức chính trị cho NLĐ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Tháng 5 hàng năm đã được Ban Bí thư kết luận là tháng công nhân; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ CNVCLĐ, là bước tiến quan trọng của tổ chức CĐ trong việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền giáo dục. Phong trào thi đua được duy trì thường xuyên ở các cấp, các ngành đã góp phần tích cực vào việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương, đơn vị; phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm do CĐ tổ chức, như xây dựng NM lọc dầu Dung Quất, NM thủy điện Sơn La... đã trở thành điểm sáng, kết tinh trí tuệ tài năng sáng tạo của lao động VN trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Cũng trong nhiệm kỳ qua, CĐ đã hoàn thành mục tiêu kết nạp mới 1,5 triệu đoàn viên, giới thiệu hàng vạn đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét để bồi dưỡng kết nạp... Công tác nữ công, công tác tài chính kinh tế CĐ, hoạt động đối ngoại tiếp tục thu được nhiều kết quả quan trọng.
 
Nhiệm kỳ 2013 - 2018: Bám sát yêu cầu mới  


Đại hội lần thứ XI CĐVN, nhiệm kỳ 2013-2018 diễn ra trong bối cảnh có nhiều thời cơ và thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Ngay trong nội tại tổ chức CĐ cũng có những hạn chế trở thành thách thức cần sớm được khắc phục: Đó là bệnh hành chính trong công việc, không sâu sát cơ sở, chậm đổi mới phương thức và nội dung hoạt động trong một số khu vực; một bộ phận cán bộ CĐ chưa thực sự tâm huyết với nhiệm vụ được giao.

Những năm tới, phương hướng nhiệm vụ của tổ chức CĐ phải bám sát yêu cầu và những vấn đề mới đặt ra; trên cơ sở thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, các cấp CĐ phải đặc biệt chú ý nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân; góp phần và chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc đối với CNVCLĐ; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ CĐ, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh...

 7 nội dung và giải pháp  

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng tổng quát trong nhiệm kỳ 2013-2018 và phương châm hành động: “Vì quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và NLĐ, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động CĐ”, một số nội dung và giải pháp cần được các cấp CĐ quan tâm nghiên cứu chỉ đạo là:

1. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, CĐ phải tiếp tục thực hiện tốt 3 chức năng đã được khẳng định, trong đó xác định chức năng đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ là chức năng trung tâm, xuyên suốt mọi hoạt động.

Các cấp CĐ phải tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật CĐ 2012 và Bộ luật LĐ đã được sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh và nâng lên về chất lượng, tính thiết thực trong việc CĐ đại diện cho NLĐ thương lượng ký kết TƯLĐTT; giúp đỡ trực tiếp NLĐ giao kết HĐLĐ, phát huy quy chế dân chủ ở từng cơ sở, phối hợp tổ chức tốt hội nghị CBCC, đại hội CNVC, đại hội NLĐ hàng năm; định kỳ tổ chức thương lượng, đối thoại với NSDLĐ để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong QHLĐ, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động và đình công xảy ra. Đầu tư phát triển mạnh mẽ công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho NLĐ, hướng mạnh hoạt động tư vấn về cơ sở, lấy đoàn viên và NLĐ là đối tượng phục vụ. Chủ động và nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình kinh tế - xã hội lớn của địa phương, ngành và đơn vị; đề xuất những giải pháp cụ thể đảm bảo quyền lợi NLĐ khi sắp xếp DN về việc làm, về chính sách BHXH, về nhà ở... cho CNVCLĐ. Tổ chức thường xuyên các hoạt động kiểm tra, phối hợp kiểm tra giám sát quá trình thi hành pháp luật và các chế độ chính sách liên quan đến CNVCLĐ, kiên quyết đề nghị xử lý các hành vi vi phạm.

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục về truyền thống cách mạng, về đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong CNVCLĐ. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh”, rà soát bổ sung để triển khai có hiệu quả chương trình thực hiện NQ số 20 của BCH T.Ư Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân VN thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”. Công tác tuyên truyền, giáo dục của CĐ phải tạo được ý thức tự rèn luyện, tự học tập nâng cao trình độ trong CNVCLĐ, phải chú ý đổi mới cả hình thức và phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tâm lý, điều kiện sống và làm việc của từng đối tượng, quan tâm đầu tư tuyên truyền giáo dục trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, coi trọng xây dựng các thiết chế văn hóa và cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ. Công tác tuyên truyền, giáo dục của CĐ phải nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ CNVCLĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có lối sống văn hóa, không mắc các tệ nạn xã hội, trưởng thành về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Luôn luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng giai cấp công nhân VN và tổ chức CĐ vững mạnh.

3. CĐ các cấp tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp, phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới... Bên cạnh đó, phải tạo được phong trào hành động cách mạng sâu rộng, cuốn hút mạnh mẽ CNVCLĐ tham gia vào việc cải cách hành chính, đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

4. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐ về kỹ năng và phương pháp công tác, cần đặc biệt chú ý số cán bộ CĐ ở cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ mới tham gia công tác CĐ lần đầu. Phối hợp chặt chẽ với tổ chức của cấp ủy, xây dựng quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ CĐ, nhất là số cán bộ trưởng thành từ phong trào công nhân, từ thực tiễn ở cơ sở, quan tâm đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ; khắc phục tình trạng hụt hẫng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt khi cần bàn giao chuyển đổi. Ngay từ năm 2013, cần xây dựng bộ máy cán bộ CĐ cấp trên cơ sở, nhất là CĐ cấp huyện đủ về số lượng và có chất lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ và các quy định mới của Luật CĐ năm 2012, của Bộ luật Lao động mới được sửa đổi, bổ sung.

5. Về công tác tài chính CĐ. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của CĐ ở các cấp và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ CĐ. Vì vậy, CĐ các cấp phải quan tâm thực hiện tốt công tác thu, chi và quản lý tài chính, tài sản theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Tổng LĐLĐVN. Phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ưu tiên kinh phí cho hoạt động ở cơ sở và chăm lo quyền lợi của đoàn viên, CNVCLĐ.

6. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và công tác chỉ đạo của CĐ các cấp theo hướng bám sát cơ sở, hướng về đoàn viên, phục vụ lợi ích thiết thân của đoàn viên và NLĐ.

Bên cạnh việc củng cố, phát triển một cách vững chắc tổ chức cơ sở của CĐ trong các DN Nhà nước, khu vực hành chính sự nghiệp; phải tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và tổ chức CĐ cơ sở trong các thành phần kinh tế, nhất là ở các DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. CĐ cần quan tâm xây dựng và thực hiện mục tiêu ở đâu có tập thể lao động ở đó có tổ chức CĐ.

7. Đẩy mạnh công tác tham gia xây dựng Đảng ở các cấp CĐ, bồi dưỡng, giới thiệu nhiều đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình liên tịch, hoạt động phối hợp của tổ chức CĐ với chính quyền, chuyên môn và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng cấp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngành, đơn vị, vừa góp phần xây dựng đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức CĐ phát triển vững mạnh.


Nguồn: laodong.com.vn

Link: http://laodong.com.vn/cong-doan/thanh-tuu-va-quyet-tam-moi/121050.bld

No comments:

Post a Comment