Wednesday, June 12, 2013

Di sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội

 (HQ Online)- Di sản văn hóa nói chung trong đó có hệ thống di tích dày đặc trên khắp đất nước Việt Nam là một nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. 

Thành nhà Hồ. (Ảnh: internet).

Công tác quản lý, phát huy giá trị di tích, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; qua đó, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước là quan trọng và cần thiết.

Đây là nhận định chung của hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến "Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích" diễn ra ngày 11-6. Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý di tích, các nhà khoa học, nghiên cứu trên khắp cả nước cùng đóng góp ý kiến.

Ý kiến của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên nêu rõ: Các di tích được Nhà nước, chính quyền địa phương và người dân quan tâm đầu tư ở các mức độ khác nhau đã phát huy giá trị, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc quảng bá văn hóa nước ta, nâng cao vị thế, đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Trong các di tích được tu bổ, tôn tạo có nhiều di tích gắn với thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng góp phần khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước ta về tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, nâng cao đời sống vật chất cộng đồng dân cư các địa phương. Nổi bật như Khu di tích cố đô Huế, hàng năm số tiền thu được từ bán vé tham quan đã lên tới con số 100 tỷ đồng; Vịnh Hạ Long là 196 tỷ đồng...

Đến nay, Việt Nam đã tiến hành kiểm kê được khoảng 4 vạn di sản, di tích; trong đó, có 7 di sản vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh; 34 di tích quốc gia đặc biệt... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các địa phương thường xuyên tiến hành quyết liệt các biện pháp ngăn chặn xâm hại di tích; huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích thông qua dự án chống xuống cấp, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa...

Dự án thực nghiệm tu bổ đình Chu Quyến cũng nằm trong danh mục các công trình thuộc Chương trình trên. Toàn bộ quá trình tu bổ ngôi đình này đã được lập hồ sơ khoa học, trùng tu đúng theo quy trình tu bổ di tích kiến trúc gỗ. Dự án đã đạt giải cao nhất về bảo tồn di sản năm 2010 của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật về di sản văn hóa ở một số địa phương vẫn còn chưa nghiêm; một số vụ việc vi phạm đã được báo chí và người dân đã phản ánh như trường hợp Chùa Trăm gian, Đình Ngu Nhuế... Mô hình quản lý di tích cũng còn nhiều bất cập; trong đó, việc quản lý nguồn thu, tiền công đức cũng như giải quyết vấn đề giữa bảo tồn di tích với xây dựng công trình mới đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm.

Ý thức thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, đặc biệt là khi tham gia lễ hội của một bộ phận người dân còn thấp. Số lượng người đi lễ ngày càng đông, một số người đi lễ còn xả rác bừa bãi, đặt tiền lễ tùy tiện, cố tình đưa đồ mã vào nơi thờ tự; đội lễ thuê, cúng thuê, dịch vụ trông xe còn rất lộn xộn; tình trạng ùn tắc giao thông, chen lấn xô đẩy diễn ra phổ biến trong các lễ hội.

Việc tiếp nhận công đức bằng hiện vật, bày biện đồ thờ tự không đúng, khắc bia ghi công đức, lắp đặt mái tôn, mái vẩy, xây gian bán hàng dịch vụ... đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều quần thể di tích./.

 Thanh Giang 


No comments:

Post a Comment