Wednesday, June 12, 2013

Những tấm gương trong: Hạnh phúc vì được dân tin

 (HNM) - Hỏi vì sao tuổi cao, sức có hạn, thù lao ít, công việc bề bộn mà cán bộ Mặt trận vẫn vui vẻ gánh vác (có người 20 năm làm công tác Mặt trận), ông Trần Thư, 75 tuổi, nguyên cán bộ TTX Việt Nam, Trưởng ban Công tác Mặt trận (BCTMT) khu dân cư số 18 phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng trả lời: Đó là vì được dân tin. Ông lý giải, làm công tác Mặt trận là phải gần dân, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của địa phương, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua và các cuộc vận động… “To” thì vận động nhân dân tham gia các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp… “Nhỏ” thì vận động dân không đổ rác ra đường, bán hàng đúng nơi quy định, giữ đoàn kết tình làng nghĩa xóm… Nhưng dù to hay nhỏ, chỉ khi nào cán bộ Mặt trận được dân tin thì khi ấy công tác vận động quần chúng mới thành công. 

 

 

Hội thi Trưởng ban Công tác Mặt trận giỏi cụm 1 quận Hai Bà Trưng năm 2013.



Bí quyết để được dân tin là bản thân và gia đình phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, có kỹ năng thuyết phục làm sao để dân nghe, hiểu và làm theo. Đơn cử như việc vận động dân đóng góp ủng hộ vào các quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nếu dân không tin tưởng ở cán bộ Mặt trận, không tin rằng quỹ được sử dụng đúng mục đích thì họ sẽ không nhiệt tình đóng góp. Tương tự, nếu không được dân tin, các cán bộ Mặt trận (và cả hệ thống chính trị) cũng không dễ gì được dân chia sẻ, giãi bày tâm tư, nguyện vọng, bức xúc để nắm bắt và phản ánh lên các cấp ủy Đảng, chính quyền, kịp thời giải quyết những “điểm nóng” từ cơ sở. Không chỉ vậy, theo ông, tham gia công tác Mặt trận còn là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên (dù đã nghỉ hưu) đối với nơi cư trú, nhằm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết - Đoàn kết - Đại đoàn kết. Thành công - Thành công - Đại thành công”.

Có dịp gần gũi với các cán bộ Mặt trận ở cơ sở, nhất là lớp người cao tuổi, tôi càng thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng những đóng góp của họ đối với xã hội, cộng đồng. Vượt lên trên tất cả những trở ngại, đối với cán bộ Mặt trận, phần thưởng dành cho họ còn là được sống vui, sống có ích. Bà Tạ Thị Miên, 64 tuổi, Trưởng BCTMT khu dân cư số 6, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng kể lại kỷ niệm khó quên khi giúp đỡ gia đình chị Vũ Thị Hồng, ở số nhà 23, ngách 44, Đỗ Thuận. Biết chị Hồng có hoàn cảnh neo đơn, một nách hai con, chồng đi cai nghiện, nhà chỉ 7m2 dột nát, đứa con lớn phải hằng ngày phụ mẹ bán rau, không được đi học… Bằng uy tín của mình, bà đã báo cáo lên quận, lên phường, đề nghị trích Quỹ Vì người nghèo ủng hộ gia đình chị 30 triệu đồng để sửa sang nhà cửa và tạo điều kiện cho hai cháu ăn học. Bây giờ, mỗi lần gặp bà Miên, chị Hồng đều rơi nước mắt “Con cảm ơn bà. Ơn này con chẳng bao giờ quên”. Còn bà Nguyễn Thị Quyết, Trưởng BCTMT khu hành chính số 2, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì lại chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng bằng cách tạo điều kiện cho họ vay vốn thoát nghèo, trở thành người có ích. Khu hành chính số 2 xã Yên Mỹ cũng nổi tiếng là khu dân cư văn hóa, đẩy lùi tệ nạn xã hội, 3 năm gần đây không phát sinh người nghiện mới…

Bàn biện pháp phát huy các nguồn lực giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững, ông Nguyễn Ích Vinh, Chủ tịch MTTQ phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho rằng, việc thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo hằng năm chỉ giải quyết được “phần ngọn”; cái gốc là phải tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định, lâu dài, phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế. Đây cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị (trong đó có Mặt trận) ở cơ sở. Ở phường Vĩnh Tuy có 70 hộ nghèo, phần lớn đều là các hộ già yếu, bệnh tật và neo đơn. Căn cứ tình hình của từng hộ, BCTMT khu dân cư tìm hiểu, hiến kế cho chính quyền phường tạo điều kiện giúp họ thoát nghèo. Ví dụ, gia đình chị Lê Thị Hảo có chồng chết, một mình nuôi hai con đi học, bản thân không có việc làm ổn định. Biết chị có nguyện vọng mua một chiếc xe đẩy bán quần áo kiếm sống qua ngày, BCTMT đã đề nghị phường trích Quỹ Vì người nghèo cho chị vay 15 triệu đồng, đồng thời vận động gia đình hàng xóm cho chị mượn 4m2 vỉa hè để bán hàng. Hay như gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng, vợ bán rau, chồng không có việc làm, muốn được phường hỗ trợ vay tiền mua xe máy để hành nghề xe ôm. Được anh Hùng cam kết sẽ bảo toàn vốn, MTTQ phường đã đề nghị trích Quỹ Vì người nghèo cho gia đình anh vay tiền mua xe và phối hợp với công an phường bố trí cho anh có chỗ đậu xe đón khách. Hiện, cả hai gia đình trên đều có việc làm ổn định, cuộc sống dần được cải thiện.

Còn rất nhiều những tấm gương cán bộ Mặt trận hết lòng vì cộng đồng. Họ xứng đáng là những “cánh tay nối dài” đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước xuống cộng đồng dân cư, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, xây dựng cuộc sống bình đẳng, ấm no, hạnh phúc.

Tuy có vị trí, vai trò rất to lớn trong việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, chính quyền… Song gần đây, vai trò của MTTQ Việt Nam có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, nhất là vai trò giám sát và phản biện xã hội. Cán bộ Mặt trận ở khu dân cư mặc dù khối lượng công việc chẳng kém gì tổ trưởng dân phố nhưng thù lao chỉ gần bằng 1/3, chưa khuyến khích, động viên họ hăng say làm việc. Ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tâm sự: “Tôi đi nhiều nơi, thấy tâm tư của cán bộ Mặt trận còn nhiều vì họ chưa được coi trọng. Họ bảo, cán bộ Mặt trận như bình hoa đặt trên bàn ăn, lúc nào ăn thì cất đi”… Vì thế, trong bài viết góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với nhan đề “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Phạm Xuân Hằng đã gửi gắm rất nhiều tâm huyết về công tác Mặt trận; đặc biệt là về vị trí, vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam được quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác dân vận, trong đó có công tác Mặt trận. Người đã dạy: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta cũng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Tại Hội nghị lần thứ 7, BCH TƯ Đảng khóa XI đã ban hành nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định: “MTTQ, đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở… Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng thêm tính tự chủ, chủ động hơn trong hoạt động, để gần dân, sát dân hơn”.


No comments:

Post a Comment